Friday, 29 May 2015

Chuyện về cái khố của thầy tu



Một đệ tử quyết tâm cầu đạo, xin học với một đạo sư. Sau thời gian học hành chăm chỉ, một hôm sư phụ có việc phải đi xa nên dặn học trò ở lại chăm lo tu hành. Học trò nghe theo lời thầy, thiền định sớm hôm không hề bê trễ, vì nếp sống tu hành thanh bần, tu sĩ chỉ có độc hai miếng khố che thân. Nhưng chiếc khố cứ bị chuột cắn rách hoài nên tu sĩ cứ lâu lâu lại phải đi xin một mảnh vải che thân khác. 


Dân làng thấy vậy, bèn biếu tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột. Tu sĩ đem con mèo về nuôi, từ đó chuột không dám lộng hành nữa, nhưng tu sĩ lại phải lo thêm một phần ăn. Ngoài thực phẩm chay tịnh, tu sĩ phải xin sữa để nuôi con mèo. Một tín đồ thấy vậy bèn tình nguyện dâng cúng tu sĩ một con bò cái để có sữa nuôi mèo. Tu sĩ vui vẻ nhận con bò nhưng nuôi được mèo lại không có rơm cho bò ăn. Do đó, ngoài thức ăn khất thực, tu sĩ lại phải đi xin rơm về nuôi bò. Dân làng thấy vậy bèn biếu tu sĩ một mảnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ trồng trọt, nuôi bò. Tu sĩ ra công cày cấy nên rau trổ thật nhiều, bò ăn không hết, phải mang bán ngoài chợ. Miếng đất thật mầu mỡ sinh hoa lợi quá nhiều, tu sĩ làm không xuể, phải gọi người đến làng giúp. Lạ thay, miếng đất cứ thế sinh sôi nẩy nở, trồng gì cũng tươi tốt và chả mấy chốc trở nên một đồn điền trù phú.

Tu sĩ có nhiều hoa lợi bèn xây một đền thờ to lớn, đẹp đẽ, thuê thợ khắc tượng, đúc chuông thật vĩ đại, nhưng thời gian tu hành không còn là bao vì tu sĩ phải lo trông nom đồn điền, lo sổ sách giao dịch buôn bán, kiểm soát nhân công trồng tỉa, rồi có tiền bạc phải lo đầu tư, bỏ vốn mua thêm đất đai, khai khẩn thêm nữa.

Một hôm, sư phụ trở về không trông thấy túp lều đơn sơ nữa mà thay vào đó một ngôi đền tráng lệ, nô nức khách hành hương, trong đền ồn ào những tín đồ vừa cúng bái vừa buôn bán.

Trông thấy sư phụ, tu sĩ mừng rỡ chạy ra chào. Sư phụ ôn tồn hỏi tại sao lại có sự thay đổi như thế. Tu sĩ trả lời, 'thưa thầy, thật tâm con muốn tu hành nhưng tại lũ chuột cứ cắn rách áo hoài. Để bảo vệ cái áo, con nuôi mèo. Để có sữa cho mèo ăn, con phải nuôi bò, và để có rau nuôi bò, con phải canh tác. Rồi thì trúng mùa liên tiếp, sức con làm không xuể nên phải gọi thêm người làm giúp, rồi thì buôn bán thành công, tiền bạc nhiều thêm, con phải đích thân trông nom mọi việc. Sau đó con cho xây cất đền thờ to tát, đúc tượng thật vĩ đại, con còn mướn người lo việc cúng tế, nhang đèn cẩn thận'.
Sư phụ thở dài, 'xây cất đền thờ thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Tụ tập tín đồ cho đông, ồn ào phức tạp, chỉ gây trở ngại cho việc thanh tu. Chỉ vì một cái khố rách mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm việc giải thoát. Con chỉ lầm lẫn một chút mà đã đi lệch lúc nào không hay, trói buộc vào các thứ đó rồi làm sao có thể thoát được?' 

Còn có phiên bản kể rằng, sau khi việc buôn bán thành công, thầy tu làm không xuể. Dân làng liền khuyên thầy tu rằng, hãy kiếm một người trông nom mọi việc, hoặc tìm một quản gia, hoặc lấy một cô vợ. Thế là thầy tu lấy vợ. Rồi sinh con. Rồi phải tìm thầy dạy học cho con... Và mỗi lúc một xa mục đích ban đầu.

Trong cuộc sống của ta cũng vậy, trên đường đời, việc này xảy tới rồi việc kia xảy tới, xem chừng rất hợp lí. Để rồi ta bị cái vòng cuộc sống cuốn trôi đi, mà quên đi mất mục đích, ước mơ ban đầu.

Thursday, 28 May 2015

Chớ vội Phán xét ngay


Bác nông dân nọ có bốn người con trai. Bởi muốn các con ghi nhớ một điều rằng, trong cuộc sống chớ vội phán xét ngay, thế là bác liền bảo các con của mình lần lượt đi tìm một cây lê mọc ở rất xa. Người con cả ra đi vào mùa đông, người thứ hai mùa xuân, người thứ ba mùa hạ và người con út đi vào mùa thu. Khi tất cả đều đã ra đi và trở về, bác gọi các con lại và nói xem mình đã trông thấy gì.
Người con cả đáp rằng cái cây đó rất xấu và cong queo. Người con thứ hai phản đối ý kiến của anh mình nói rằng cái cây đó đang đâm chồi nảy lộc. Người con thứ ba cũng không đồng tình với hai anh, nói rằng cây nở đầy hoa và tỏa ngát hương thơm, và rằng đó là cảnh tượng lộng lẫy nhất mà mình từng thấy. Người con út phản đối cả ba anh, nói rằng cây đầy quả chín rụng, tràn đầy nhựa sống. Người cha liền giải thích cho các con rằng tất cả các con đều đúng, bởi mỗi người chỉ nhìn thấy cây lê đó trong một mùa mà thôi.

Bác bảo rằng ta chớ nên phán xét một cái cây, một con người nếu chỉ thấy trong một mùa, một đoạn đời, và rằng bản chất của họ, cũng như niềm vui và tình yêu đến từ cuộc đời này chỉ có thể đo được vào lúc cuối cùng, khi mọi mùa đều qua. Nếu ta bỏ cuộc lúc mùa đông, ta sẽ lỡ mất mùa xuân hứa hẹn, mùa hè tươi đẹp và lộng lẫy mùa thu.
                                                
Ghim vào lòng: Chớ để cho nỗi đau một mùa đánh hỏng đi niềm vui của những mùa khác. Chớ phán xét cuộc đời vì gặp chút khó khăn. Vượt qua gian khó và những tháng ngày tươi đẹp rồi sẽ tới. 

- Diệu Mai chuyển ngữ -

Thursday, 21 May 2015

Khoảng lặng Tâm hồn


Một lần nọ, có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Đó không phải là một cái đồng hồ thông thường bởi nó còn có giá trị về mặt tình cảm đối với ông. Sau một thời gian dài tìm kiếm vô vọng, người nông dân phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài.
Ông hứa nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng.
Nghe thấy vậy, đám trẻ con nhanh chân chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến tận cả chỗ cho gia súc ăn nhưng vẫn không thấy. Chỉ đến khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có bé trai chạy tới và yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa. Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: 'Tại sao lại không chứ? Sau tất cả thì cậu bé này có vẻ khá chân thành'.
Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất hạnh phúc và ngạc nhiên, ông hỏi cậu bé: 'Làm cách nào mà cháu có được nó, sau khi tất cả các bạn khác đã từ bỏ?'.
Cậu bé đáp: 'Cháu không làm gì cả và chỉ ngồi im một chỗ để lắng nghe. Trong im lặng, cháu thấy tiếng kim đồng hồ chạy và theo đó cháu tìm ra nó'.
Đúng vậy, sự tĩnh lặng trong tâm hồn có thể sẽ tốt hơn so với một trí não luôn hoạt động.
Hãy để cho tâm trí của bạn những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn hàng ngày.
Và hãy xem, sự hiệu quả mà nó đem lại khi giúp bạn xây dựng cuộc sống hằng mong đợi của mình.
Theo Đất Việt

Monday, 18 May 2015

Gánh nặng Nỗi lo


Một thiên thần đang dạo chơi trên đường thì nhìn thấy một người đàn ông đang mang trên lưng chiếc túi rất nặng. Thiên thần tò mò hỏi thăm:
  • Này anh bạn, anh đang mang vật gì mà nặng nhọc thế?
  • Tôi đang mang những lo lắng của tôi! – Người đàn ông thở không ra hơi
  • Anh có thể đặt chiếc túi xuống để tôi nhìn thấy những lo lắng của anh được không? – Thiên thần đề nghị
Người đàn ông đặt chiếc túi xuống; Thiên thần nhìn vào nhưng chẳng thấy gì cả: Đó chỉ là chiếc túi rỗng!
Thiên thần thốt lên:
  • Anh bạn, tôi không hề thấy có nỗi lo nào đang đè lên anh cả. Hãy quẳng chiếc túi ấy đi!
  • Không thể nào, ngày nào tôi cũng rất lo lắng. Tôi lo cho những điều đã xảy ra hôm qua, và những điều sẽ đến vào ngày mai. – Người đàn ông nói.
Bạn thấy đấy, nỗi lo chỉ thật sự trở thành gánh nặng khi bạn không hề biết đó là nỗi lo gì và cứ băn khoăn nó đã qua hay sẽ đến. Hãy vui sống vì ngày hôm nay bạn nhé!
(Sưu tầm)

THAY ĐỔI - truyện 5 chương ngắn

  CHƯƠNG 1 Tôi đi trên một con phố. Trên vỉa hè có một hố sâu. Tôi không nhìn thấy và rơi xuống. Tôi chật vật mãi mới thoát ra được. Đó là ...