Friday, 25 April 2014

Sự tích Bảy sắc Cầu vồng

Xưa lắm rồi, các màu trên mặt đất bỗng dưng cãi nhau. Màu nào cũng tự cho rằng mình là tuyệt hảo, quan trọng nhất, hữu ích nhất và được ưa chuộng nhất.
Màu lục bắt đầu: Dĩ nhiên là tôi quan trọng nhất. Tôi là biểu tượng của sự sống và niềm hi vọng. Tôi được chọn để tạo thành cỏ cây. Thiếu tôi cảnh vật sẽ tiêu điều. Hãy nhìn vạn vật xung quanh, các bạn hẳn thấy tôi đúng.


Sự tích bảy sắc cầu vòng
Màu xanh ngắt lời: Bạn chỉ nghĩ đến những gì trên mặt đất, hãy ngước nhìn trời xanh và dõi ra biển biếc. Từ đáy biển sâu đến chín tầng mây cao, sự sống tồn tại được đều nhờ vào nước. Trời xanh bao la mang hình ảnh của sự thanh bình. Nếu không có thanh bình muôn loài ai nấy cũng sẽ xác xơ.
Màu tím cãi lại: Tôi là màu của sức mạnh. Từ vua quan đến hàng giáo phẩm đều chọn màu của tôi vì tôi tượng trưng cho quyền uy và thông thái. Ai ai cũng sẵn sàng lắng nghe và tùng phục.
Màu vàng cười vang: Sao toàn là chuyện nghiêm túc quá thế. Tôi cho rằng chỉ có tôi mới mang lại niềm vui và sự ấm áp cho đời mà thôi. Này nhé, mặt trời vàng, mặt trăng vàng, các vì sao vàng, tất cả đem lại sự vui tươi và nụ cười cho toàn thế giới. Vắng tôi là thiếu hẳn đi niềm hân hoan.
Đến lượt màu cam tự khen: Tôi là màu của sức khỏe, của sự đổi mới. Có lẽ tôi là một màu quí vì tôi phục vụ mọi nhu cầu của con người. Tôi mang các sinh tố quan trọng nhất, hãy nhìn các loại trái cây thì biết. Tôi ít khi có mặt nhưng khi tôi nhuộm bầu trời bình minh hay bầu trời hoàng hôn, vẻ đẹp mê hồn của tôi khiến không còn ai nhớ đến các bạn nữa.
Màu chàm tiếp lời, giọng nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt: Các bạn hãy nghĩ đến tôi xem nào. Tôi là màu của sự tĩnh lặng. Phải để ý đến tôi vì thiếu tôi, các bạn sẽ trở nên hời hợt, thiếu sâu sắc. Tôi đại diện cho tâm hồn, ý tưởng và sự tinh tế. Ai cũng cần tôi để có được một cuộc sống cân bằng cũng như tạo nên sự khác biệt. Tôi hữu dụng cho lòng tin, những giây phút trầm tư, an lạc nội tâm.
Đến lúc này màu đỏ không thể kiềm chế được nữa, quát to: Ta đây mới đích thị là “xếp sòng”. Ta là máu, là sinh lực. Ta là màu báo nguy, màu của sự can đảm. Ta là lửa. Ta là màu của đam mê, của tình yêu, của hoa hồng, của hoa anh túc… Thiếu ta, địa cầu sẽ ảm đạm như mặt trăng kia.
Và rồi các màu lại tiếp tục khoe khoang; mỗi màu tự cho mình mới là quan trọng thật sự. Cuộc tranh cãi càng lúc càng căng thẳng, bỗng nhiên một tia chớp xẹt đến, tiếp theo ngay sau là một tiếng sét to. Mưa như thác đổ xuống các màu khiến chúng phải sát cánh lại để che chở cho nhau.
Mưa nói: Thật là ngốc nếu các bạn mãi chống đối nhau. Các bạn không biết rằng mỗi màu được tạo ra cho một mục đích rõ ràng sao? Mỗi màu đều có một tính cách độc nhất và đặc biệt trong thế giới này. Hãy bắt tay nhau và cùng đến với tôi.
Các màu nghe có lý và làm theo đề nghị của mưa. Chúng đến bắt tay nhau. Mưa khuyên tiếp: Từ giờ trở đi, khi nào mưa mỗi bạn hãy nổi lên thành một cầu vồng trên bầu trời để chứng tỏ các bạn đã chung sống hòa bình. Cầu vồng là hình ảnh của sự hy vọng và hòa giải.
***
Tình bạn rực rỡ như bảy sắc cầu vồng: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Đỏ là quả chín, cam là ngọn lửa bất diệt, vàng là ánh dương chiếu rọi, lục là cây cỏ bừng mạch sống, lam là dòng nước trong xanh, chàm là niềm mơ ước trong tim, tím là nụ hoa sắp nở. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay chăm sóc tình bạn để tình bạn trổ nụ đơm hoa nhé!

Wednesday, 23 April 2014

Gánh nhẹ cuộc đời


“Gánh cuộc đời” nặng hay nhẹ còn tùy “tấm lòng” của chúng ta đối với cuộc sống , tình yêu cuộc sống.

Có câu chuyện thế này:

Một tín đồ người Ấn Độ đi bộ đến đền thờ Thánh ở Hymalaya. Đường đi thì xa xôi, đường núi vô cùng khó đi, không khí thì loãng. Ông ta tuy mang theo 
rất ít đồ đạc, nhưng vẫn cất bước không nổi, vừa đi vừa thở hổn hển….

Ông ta đi rồi nghỉ, nghỉ rồi lại đi… không ngừng nhìn về phía trước, hy vọng mục tiêu đi đến sẽ sớm xuất hiện. Thình lình ông thấy phía trước có một bé gái chưa đầy 10 tuổi, trên lưng cõng một em bé đang từ bước từ bước… từng bước về phía trước. Cô bé thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa , nhưng hai tay vẫn ôm cứng đứa trẻ trên lưng.

Tìn đồ người Ấn Độ đi đến bên cô bé, rất đồng cảm nói:

- Cháu của ta, cháu cũng giống như ta, cháu nhất định mệt rồi, cháu cõng nặng quá !

Cô bé nghe xong, không vui, trả lời:

- Cái ông cõng là vật nặng, nhưng cái cháu cõng không phải là vật nặng, nó là em trai của cháu.

Người cảm thấy gánh nặng vì không có tình yêu.

Chính Tình Yêu cho ta sự nhẹ nhàng. Mọi thứ chỉ có ý nghĩa khi nó giúp cho ta sống cho một tình yêu chân chính, cho một lý tưởng rõ rệt, cho một cuộc đời có ý nghĩa.

Tình yêu nào cũng cần có sự hy sinh. Hy sinh sẽ là gánh nặng nếu tình yêu đó không thật. Được hy sinh cho tình yêu lại là niềm hạnh phúc, nó là“ách êm ái, và gánh nhẹ nhàng” khi trái tim đã dành trọn cho tình yêu.

Thế giới sẽ hạnh phúc biết bao, nếu mọi đôi vai đều biết kề nhau chung vác những trách nhiệm và bổn phận để làm cho thế giới đẹp hơn.

Trong gia đình, công sở, tập thể… đều cần phải như vậy.

(Sưu tầm)

Tuesday, 22 April 2014

Giá trị của sự Chia sẻ



Tại vùng trang trại xa xôi, có một người nông dân năm nào cũng trồng được những cây ngô rất tốt. Năm nào ông cũng mang ngô tới hội chợ liên bang và năm nào ngô của ông cũng đạt giải nhất. Ai cũng cho rằng ông có những bí quyết riêng độc đáo. Có một lần, một phóng viên phỏng vấn ông và phát hiện ra rằng người nông dân luôn chia sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình với những người hàng xóm ở các trang trại xung quanh.

- Tại sao bác lại chia những hạt giống tốt nhất đi, trong khi năm nào họ cũng đem sản phẩm đến cùng hội chợ liên bang để cạnh tranh với sản phẩm của bác? – Phóng viên hỏi.

- Anh không biết ư?- Người nông dân thật thà đáp – Gió luôn thổi phấn hoa và cuốn chúng từ trang trại này sang trang trại khác, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nếu những người hàng xóm quanh tôi chỉ trồng được những cây ngô xấu thì việc thụ phấn do gió rõ ràng sẽ làm giảm chất lượng ngô của chính trang trại của tôi. Tức là, nếu tôi muốn trồng được ngô tốt, tôi cũng phải giúp những người xung quanh trồng được ngô tốt đã!

Cuộc sống cũng như vậy. Những người muốn được hạnh phúc phải giúp những người sống quanh mình hạnh phúc. Những người muốn thành công phải giúp những người quanh mình thành công. Giá trị cuộc sống của bạn được đo bằng những cuộc sống mà bạn “chạm” tới.

(st)

Sunday, 20 April 2014

Con bò khóc


Hôm ấy tôi đến sớm để hướng dẫn lớp thiền ở một nhà tù có các biện pháp an ninh không chặt chẽ lắm. Một phạm nhân mà tôi chưa hề gặp đang chờ để nói chuyện với tôi.

Anh ta là một người cao lớn, tóc tai, râu ria rậm rạp và trên cánh tay hình xăm trổ đầy; những vết sẹo trên mặt nói lên rằng anh ta đã trải qua nhiều cuộc đánh nhau ác liệt. Trông anh ta đáng sợ đến nỗi tôi tự hỏi vì sao anh ta lại đến học thiền. Anh ta không phải là kiểu người thích hợp. Tất nhiên là tôi sai.
Anh ta kể với tôi rằng chuyện xảy ra cách đây vài ngày làm cho anh ta cực kỳ hoảng sợ. Khi anh ta bắt đầu nói tôi đã nhận ra giọng miền Ulster. Để cung cấp cho tôi vài thông tin về nhân thân, anh ta nói rằng anh ta lớn lên trên những đường phố bạo động nhất Belfast (n.d. thủ phủ của tỉnh Ulster, Bắc Ireland). Vụ đâm chém đầu tiên diễn ra lúc anh ta mới là một cậu bé bảy tuổi. Một thằng bắt nạt ở trường đã đòi số tiền dành cho buổi ăn trưa của cậu bé. Cậu bé nói không. Thằng đó rút ra một con dao dài và lên tiếng đòi tiền lần thứ hai. Cậu ta nghĩ rằng thằng đó chỉ dọa thôi. Cậu ta nói không lần nữa. Thằng bắt nạt không thèm nói lần thứ ba, hắn đâm con dao vào cánh tay của cậu bé bảy tuổi, rút ra, rồi bỏ đi.
Hoảng loạn, cậu bé chạy ra khỏi sân trường, với máu chảy ròng ròng, trở về nhà cha mình ở cách trường không xa. Người cha thất nghiệp nhìn sơ qua vết thương rồi dẫn con vào trong phòng bếp, nhưng không phải để băng bó vết thương. Người cha kéo hộc bàn, lôi ra một con dao làm bếp lớn, đưa cho con trai và ra lệnh cho cậu bé quay lại trường để đâm thằng kia.
Đó là cách anh ta được nuôi dạy. Nếu như anh ta không trở thành cao lớn và mạnh mẽ như thế thì đã chết lâu rồi. Nhà giam là một nông trại tù nơi mà những phạm nhân ngắn hạn, hay phạm nhân dài hạn sắp được tha, có thể chuẩn bị cho đời sống khi được ra, một số người học một nghề nào đó trong ngành nông nghiệp. Ngoài ra, sản phẩm do nông trại tù này cũng cung cấp thực phẩm rẻ tiền cho tất cả các nhà giam ở Perth, để giảm chi phí. Các nông trại Úc nuôi bò, cừu, và heo, chứ không chỉ trồng lúa mì và rau xanh, nông trại tù cũng thế. Nhưng không giống các nông trại khác, nông trại tù có một lò giết mổ ngay tại chỗ.
Mọi tù nhân đều có một việc làm ở nông trại. Nhiều tù nhân nói với tôi rằng công việc mà nhiều người muốn làm là những công việc ở lò mổ. Nhưng việc này được các tù nhân hung bạo ưa thích. Và công việc được ưa chuộng nhất chính là công việc của đồ tể. Anh chàng người Ireland to con này hồi đó là một đồ tể.
Anh ta mô tả lò mổ cho tôi nghe. Những hành lang làm bằng thép không gỉ rất chắc, rộng ở phần cổng ngoài , hẹp dần tạo thành một con đường giống như cái phễu khi chạy vào bên trong tòa nhà. Nối tiếp con đường hẹp đó là một bệ cao, nơi anh ta đứng với một khẩu súng điện. Những con bò, heo, hay cừu bị lùa vào con đường bằng thép đó bằng cách dùng chó và gậy thúc. Anh ta nói chúng sẽ kêu la, mỗi con theo cách của mình, và cố chạy trốn. Chúng ngửi thấy cái chết, nghe thấy cái chết, và cảm thấy cái chết. Khi một con vật đi qua bệ đứng của anh ta nó sẽ vùng vẫy, quằn quại và kêu la hết sức mình. Mặc dầu khẩu súng của anh ta có thể giết chết một con bò lớn bằng một phát bắn điện cao thế, nhưng con vật không bao giờ đứng yên cho anh ta nhắm bắn. Cho nên anh ta phải bắn một phát làm chúng choáng váng, và phát kế tiếp là để giết chết. Một phát gây choáng, một phát giết chết. Hết con này đến con khác. Ngày này qua ngày khác.
Anh chàng người Ireland này bắt đầu trở nên bị bối rối khi kể đến biến cố xảy ra cách đây vài ngày làm cho tinh thần anh ta bị chao đảo. Anh ta bắt đầu chửi thề. Khi kể tiếp, anh ta cứ lặp đi lặp lại, “mẹ kiếp, đó là sự thật !” Anh ta sợ tôi không tin.
Ngày hôm đó người ta cần thịt bò cho các trại giam ở Perth. Họ đang giết bò. Một phát gây choáng, một phát giết chết. Anh ta đã quá quen với công việc giết chóc hằng ngày cho tới khi có một con bò đi vào theo cách không giống với những con vật anh ta từng thấy. Con bò này im lặng. Nó không hề rên rĩ. Đầu nó cúi gằm xuống, đi một cách cố ý, một cách tự nguyện, một cách chậm chạp, vào vị trí sát với bệ bắn. Nó không hề quằn quại, vùng vẫy hay tìm cách chạy trốn.
Khi đã đến vị trí nó ngẩng đầu lên, và nhìn chăm chăm vào người đồ tể, hoàn toàn không động đậy.
Anh chàng người Ireland chưa bao giờ thấy cảnh tượng nào giống như thế. Đầu óc anh ta bối rối đến mụ mị. Anh ta không thể đưa súng lên, cũng không thể rời mắt khỏi đôi mắt của con bò. Con bò nhìn thẳng vào bên trong anh ta.
Anh ta như rơi vào một khoảng trống không thời gian. Anh ta không thể nói cho tôi biết thời gian ấy kéo dài bao lâu, nhưng vì con bò cứ nhìn chăm chăm, nên anh ta thấy một cảnh làm anh ta rúng động hơn nữa. Bò có đôi mắt rất to. Anh ta nhìn thấy trong con mắt trái của con bò, bên trên mí mắt dưới, nước mắt bắt đầu tụ lại. Lượng nước mắt càng lúc càng nhiều đến nỗi mí mắt không thể cầm giữ lại. Nó bắt đầu chảy từng giọt xuống má, tạo thành một dòng nước mắt lấp lánh. Những cánh cửa của trái tim bị đóng lâu ngày bắt đầu mở ra. Khi anh ta nhìn mà không tin vào mắt mình, anh ta thấy ở con mắt bên phải của con bò, bên trên mí mắt dưới, nước mắt dâng lên, càng lúc càng nhiều, cho tới khi mí mắt không thể cầm giữ được. Một dòng nước mắt thứ hai từ từ chảy xuống mặt con bò. Và anh ta không còn chịu đựng nỗi. Con bò đang khóc.
Anh ta kể rằng anh ta ném khẩu súng xuống đất, chửi thề và hét lên với các sĩ quan quản giáo rằng họ làm gì anh ta cũng được, “nhưng không được giết con bò ấy”
Anh ta kết thúc câu chuyện và nói rằng bây giờ mình đã là một người ăn chay.
Đó là một câu chuyện thật. Các phạm nhân khác của trại tù xác nhận với tôi điều đó. Con bò khóc đã dạy cho con người hung bạo nhất trong số những người hung bạo ý nghĩa của từ quan tâm.

(sưu tầm)

Saturday, 19 April 2014

Câu chuyện về tre và dương xỉ


Một ngày, tôi quyết định sẽ từ bỏ. Từ bỏ công việc, mọi mối quan hệ, từ bỏ mọi mong ước, hi vọng của mình. Tôi muốn từ bỏ cuộc sống. Tôi đã đến tìm và nói chuyện với Thượng đế.
“Thưa Thượng đế, Người có thể cho con một lí do để không từ bỏ cuộc sống của mình không?”.
Thượng đế rất ngạc nhiên khi tôi hỏi câu đó. “Con hãy nhìn đây” – Thượng đế lên tiếng – “Con có nhìn thấy cây dương xỉ và cây tre này không?”.
“Có”- Tôi kính cẩn trả lời.
“Khi ta gieo hạt của dương xỉ và cây tre, ta đã chăm sóc chúng rất cẩn thận. Ta cho chúng ánh sáng, ta tưới đầy đủ nước cho chúng. Cây dương xỉ lớn rất nhanh trên mặt đất. Màu xanh của nó chẳng mấy mà phủ kín cả một vùng.
Nhưng chẳng có dấu hiệu gì từ hạt giống của cây tre cả. Tuy nhiên, ta đã không từ bỏ hạt mầm đó. Một năm trôi qua, Dương xỉ nhanh chóng phát triển lớn mạnh. Nhưng một lần nữa, không một dấu hiệu của hạt giống cây tre. Và cũng một lần nữa ta không từ bỏ” – Thượng đế chậm rãi kể.
“Bước sang năm thứ ba, vẫn chẳng thấy gì từ hạt giống cây tre cả. Nhưng ta vẫn không từ bỏ. Năm thứ tư cũng không có gì khác. Ta vẫn tiếp tục công việc và không từ bỏ…
… Đến năm thứ năm, một mầm xanh vươn mình lên khỏi mặt đất. So với đám dương xỉ xung quanh, nó quá nhỏ bé và chẳng có chút ấn tượng nào. Nhưng chỉ 6 tháng thôi, cây tre đã cao hơn 30 mét. Nó đã mất tới 5 năm để phát triển bộ rễ. Rễ của nó rất khoẻ mạnh và có thể cung cấp cho nó tất cả những gì cần thiết để sống và vươn lên. Ta đã không cho cây tre một chút thử thách nào”.
“Con có biết không, con của ta, tất cả thời gian mà con phải vật lộn để sống, con đã xây dựng và hoàn thiện gốc rễ của mình” – Thượng đế nói tiếp.
“Ta đã không rời bỏ cây tre. Và ta cũng sẽ không bao giờ xa con. Đừng so sánh bản thân con với bất cứ thứ gì khác.
“Cây tre và dương xỉ có cách sống khác nhau mặc dù mục tiêu của chúng đều là màu xanh cho trái đất. Cơ hội của con sẽ đến…” – Thượng đế khắng định – “… Con sẽ vươn cao”.
“Liệu con có thể vươn cao đến đâu thưa Người?”.
“Vậy con có biết cây tre vươn cao đến đâu không” – Thượng đế không trả lời mà hỏi lại.
“Cao hết mức mà nó có thể phải không ạ?” – tôi ngập ngừng hỏi lại.
“Đúng thế” – Thượng đế mỉm cười – “Hãy cho ta cảm thấy tự hào khi thấy con vươn đến đỉnh cao nhất mà con có thể”.
Đứng tiếc nuối những ngày đã qua trong đời. Những ngày may mắn, tốt đẹp mang cho bạn hạnh phúc. Những ngày đen tối khó khăn mang lại cho bạn nhiều kinh nghiệm. Tất cả đều cần cho cuộc sống.

Friday, 18 April 2014

Chớ là cốc nước nhỏ, hãy là mặt hồ lớn

Một chàng trai trẻ đến xin học một vị cao tăng. Anh lúc nào cũng bi quan và phàn nàn về mọi khó khăn. Đối với anh, cuộc sống chỉ có những nỗi buồn, vì thế học tập cũng chẳng hứng thú gì hơn.
Một lần khi chàng ta than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, vị hiền sư im lặng lắng nghe, lát sau đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một cốc nước nhỏ rồi yêu cầu chàng trai uống thử.
- Cốc nước mặn chát. Chàng trai trả lời
Vị cao tăng dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một thìa muối đầy xuống nước rồi cũng với yêu cầu tương tự.
- Nó chẳng hề mặn lên chút nào. Chàng trai nói khi múc một ít nước dưới hồ và nếm thử.
Cuối cùng vị cao tăng chậm rãi nói:
“Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Và những khó khăn đó giống như thìa muối này, tuy nhiên mỗi người lại chọn cách hoà tan khác nhau”.
Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích.
Bởi vậy khi đớn đau, cách tốt nhất con có thể làm là hãy giải tỏa cảm giác của mình. “Đừng như cốc nước nhỏ, mà hãy là mặt hồ lớn.”
(st)

Câu chuyện Chiếc Bút chì - 5 bí mật để thành công


Khi ra đời, một cây bút chì luôn thắc mắc không biết cuộc sống bên ngoài xưởng làm bút chì sẽ ra sao bởi thỉnh thoảng nó nghe những người thợ làm bút chì nói chuyện với nhau. Bút chì băn khoăn mãi, anh em của nó cũng không biết gì hơn.
Cuối cùng, trước hôm được mang đến các cửa hàng, bút chì mạnh dạn hỏi người thợ làm bút rằng nó và anh em của nó sẽ ra sao ở bên ngoài cuộc sống rộng lớn kia.
Người thợ làm bút mỉm cười. Ông nói:
Có 5 điều con và các anh em của con nên nhớ khi bắt đầu cuộc sống. Nếu con nhớ và làm được thì con sẽ trở thành cây bút chì tốt nhất.
Thứ nhất: Con có thể làm được những điều kỳ diệu nhất nếu con nằm trong bàn tay một người nào đó và giúp họ làm việc.
Thứ hai: Con sẽ cảm thấy đau đớn mỗi khi bị gọt, nhưng phải trải qua như thế con mới trở nên tốt hơn và có thể tiếp tục cuộc sống của mình.
Thứ ba: Nếu con viết sai một lỗi, con hãy nhớ sửa lại.
Thứ tư: Điều quan trọng nhất đối với con và những người dùng con không phải là nước sơn bên ngoài con mà là những gì bên trong con đấy.
Và cuối cùng, trong bất cứ trường hợp nào, con cũng phải tiếp tục viết. Đó là cuộc sống của con. Cho dù con gặp tình huống khó khăn như thế nào cũng vẫn phải viết thật rõ ràng, viết để để lại những dấu ấn của mình.


(sưu tầm)

Wednesday, 16 April 2014

Vị thần Điềm đạm

Tích xưa, theo thần thoại Nhật, các vị thần ở trên cõi trời, có một khi cùng tranh nhau quyền bá chủ thế gian. Bất kỳ là vị nào, cũng đều cho mình là quyền lực trên hết tất cả Trời Đất. Các vị thần mới nhất định bầu cử một người làm trọng tài trong cuộc thi chọi, coi ai được làm bá chủ. Vị trọng tài này có trí phán đoán và tính ngay thẳng đặc biệt, lại cũng là người cao tuổi hơn hết.
Trong các vị thần, một vị bước ra nói:
“Các ngài hãy xem đây, sẽ thấy rõ sức mạnh phi thường của tôi như thế nào.”
Tức thời, một ánh sáng chớp lạnh xương, liền theo đó, tiếng sấm nổ vang, làm rung động cả không trung, dường như cả thế gian đều rung rinh sắp đổ. Các vị thần đều tái mặt. Lúc bấy giờ, không còn một ai còn dám nghĩ là mình là người bất khả xâm phạm nữa.
Vị thần Bão tố, bước ra nói:
“Sức mạnh của tôi, còn ghê gớm hơn nữa. Hãy xem dưới kia, cánh đồng mênh mông lặng lẽ…”
Nói vừa dứt lời, bỗng mặt nước biển dâng lên… Ban đầu từ từ… kế đó sóng nổi gió tung… Nước càng dâng, gió càng lớn, sóng càng to… cuồn cuộn ầm ầm… chỉ thấy còn có một vùng nước mênh mông trắng dã… Những ngọn núi cao, sóng đánh lấn riết, không còn thấy mặt… Sóng càng lúc càng cao, gió càng lúc càng lớn… hăm he chìm ngập đến cõi trời… Các vị thần thất sắc, cầu khẩn xin tha… Thần Bão tố vẫy tay một cái: sóng lặn, gió êm… bấy giờ nước biển lao xao, sóng chạy lăn tăn trên bãi cát.
Các vị thần vừa tỉnh trí hoàn hồn, thì nghe có một giọng lảnh lót cất lên:
“Sức mạnh không phải ở nơi sự phô trương của sức bạo tàn, vì nó chỉ có phá hoại mà không tạo lập. Sức mạnh ở cái thuật khuất phục con người và giữ gìn họ ở trong khuất phục ấy bằng ý muốn của họ. Người ta cảm vì sự dịu dàng mà chịu khuất phục chớ không phải vì bị khủng khiếp mà chịu khuất phục”.
Dứt lời, vị thần Âm nhạc lấy ống tiêu… thổi lên một hơi, nhẹ nhàng êm ái như thế nào mà hết thảy các vị thần mê mẩn tâm thần, như ngây, như dại… Tất cả đều như bị sức âm nhạc lôi cuốn vào giấc ngủ thôi miên.
Nhưng có một vị thần… thái độ huyền bí, dường như thản nhiên bất động.
Vị này không thấy sấm sét mà choá mắt.
Sóng bủa, nước dâng cũng không khiến gương mặt trầm tĩnh của ông thay đổi.
Mà tiếng nhạc du dương, thâm trầm, huyền hảo kia cũng không cảm động lòng ông chút nào cả.
Vị trọng tài day qua hỏi:
“Ngài có phải bị mù, điếc gì không?”
“Không. Tôi thấy và tôi nghe.”
“Tại sao Ngài không động lòng. Sấm nổ, nước dâng không làm cho quả tim Ngài dao động lên sao? Nhạc thần, tiêu thánh không làm cho tâm hồn Ngài xao xuyến sao?”
“Ngài lầm! Quả tim tôi cũng đập, tâm hồn tôi cũng xao.”
“Nhưng sao gương mặt Ngài, tôi không thấy lộ vẻ lo sợ hay vui sướng gì cả?”
“Không. Tôi là “Điềm Đạm”. Tôi là kẻ huấn luyện cảm giác tôi, tôi là kẻ đã làm chủ cảm giác tôi rồi. Còn các Ngài, các Ngài chỉ là những người làm tôi mọi nó vì chính các Ngài đã không thể chế trị nó.”
Có ích gì lo đi chế trị sự vật quanh mình, trong lúc mà, một tiếng nhạc tiêu tao cũng đủ làm cho cái tay cầm sấm sét kia phải rụng rời như rũ liệt…
Còn nói đến uy lực nỗi gì, kẻ có tài ảo hoặc người kia, khi thấy nước dâng, nghe sấm nổ, cũng vẫn lao nhao lo sợ như ai…
Các vị thần, cúi mặt làm thinh.
Vị trọng tài nói tiếp:
“Quyền bá chủ, là người này. Sức mạnh thật, nơi tâm hồn điềm tĩnh của người này!”
Hơn cả sự điều khiển sự vật, người này đã khéo léo biết điều khiển cảm xúc của mình.
Bất kỳ là một thế lực nào, nếu còn bị một thế lực khác đánh ngã, không còn gọi đặng là sức mạnh nữa. Người này không phô trương những thế lực vô ích như thế, rõ là người có sức mạnh trên hết.
Bất kỳ là những ám thị những dẫn dụ nào, cũng không làm nao núng tâm hồn người này đặng. Trái lại, người này đã thấy hết, và đã khéo lợi dụng cả thảy để làm tôi mọi cho mình. Nếu các anh em, tin cậy nơi sự phê phán của tôi, thì tôi xin nói thật: “Vị thần Điềm Đạm này là chúa tể của chúng ta cả thảy”.
Từ đấy đến nay, câu phê phán ấy vẫn không sai giá.

Tuesday, 15 April 2014

Đừng tự làm tổn thương chính mình




Một đêm nọ, một chú rắn bò vào một xưởng mộc trong lúc đang đi kiếm mồi.

Bác thợ mộc vốn tính hơi bừa bộn đã để lại một số dụng cụ trên sàn nhà trong đó có một chiếc cưa.

Khi rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nho nhỏ.

Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, rắn ta quay phắt lại và cắn bổ thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu.

Bị đau khiến rắn càng thêm tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã “chết rồi”.

Sắp chết vì bị thương, rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật mạnh trước khi bò đi. Sáng hôm sau, bác thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình.

P/S: Đôi khi, trong lúc cố gắng làm tổn thương người khác, chúng ta chỉ làm tổn thương chính mình mà thôi.


(st có sửa chút xíu)

Monday, 7 April 2014

Bài học về lòng Kiên trì

Câu chuyện này cho chúng ta bài học về lòng kiên trì. Chúng ta thường đặt ra các mục tiêu để thực hiện, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để hoàn thành nó. Chúng ta nản lòng quá sớm. Nhưng nếu biết tin tưởng và kiên trì từng bước một thực hiện, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình. Và hơn nữa, khi nhận ra điều đó, hãy bắt tay ngay vào công việc của mình.
Vài lần, con gái tôi gọi điện và nói, “Mẹ, mẹ phải đến xem những bông thuỷ tiên vàng trước khi chúng tàn.” Tôi rất muốn đi, nhưng đó là một quãng đường 2 giờ đồng hồ lái xe từ Laguna đến Hồ Arrowhead.

“Mẹ sẽ đến vào thứ ba tới.” Tôi hứa, một cách bất đắc dĩ, vào cuộc gọi lần thứ ba của nó.

Thứ ba kế đó là một ngày mưa ảm đạm và lạnh lẽo. Nhưng vì đã hứa nên tôi phải đi. Khi cuối cùng tôi cũng đến được nhà Carolyn, ôm hôn và chào những đứa cháu của mình, tôi nói, “Hãy quên những bông thuỷ tiên đi, Carolyn! Đường đầy mây và sương không thể nhìn thấy gì, và không có gì trên thế giới này trừ con và những đứa trẻ có thể khiến mẹ chịu đựng nó để lái xe thêm một inch nào nữa!”

Con gái tôi mỉm cười và nói, “Chúng ta vẫn lái xe trong tình trạng này được mà mẹ.”

“Con sẽ không thể khiến mẹ bước ra đường cho đến khi trời quang đãng trở lại, và đó là khi mẹ về nhà!” Tôi kiên quyết.

“Con đã hy vọng mẹ sẽ đưa con ra chỗ sửa để lấy xe của con. “

“Chúng ta sẽ phái đi bao xa?”

“Chỉ qua mấy toà nhà là đến,” Carolyn nói, “Con sẽ lái xe.”

Sau vài phút, tôi hỏi, “ Chúng ta đang đi đâu đây? Đây không phải là đường đến gara!”

“Chúng ta đang đi đến gara, chỉ có điều bằng con đường dài hơn thôi.” Carolyn mỉm cười, “bằng con đường hoa thuỷ tiên vàng. “

“Carolyn,” Tôi nói nghiêm khắc, “quay xe lại đi.”

“Thôi nào mẹ, mọi việc sẽ ổn thôi, con hứa. Mẹ sẽ không bao giờ tha thứ cho mình nếu mẹ để lỡ mất cảnh tượng này đâu.”

Sau khoảng hai mươi phút, chúng tôi rẽ vào một con đường sỏi và tôi thấy một nhà thờ nhỏ. Ở bên phía xa của nhà thờ, tôi thấy một tấm biển viết tay: “Vườn hoa thuỷ tiên vàng.”

Chúng tôi ra khỏi xe và dắt theo những đứa trẻ, tôi theo Carolyn đi xuống con đường mòn. Rồi chúng tôi rẽ vào một góc của con đường, và tôi nhìn lên, sững sờ.



Trước mắt tôi là một cảnh tượng kỳ diệu. Nó giống như có ai đó đã trút cả một thùng to toàn vàng trải từ trên đỉnh núi xuống vậy. Những bông hoa được trồng theo những vòng xoáy rực rỡ, những dải màu da cam, trắng, vàng chanh, hồng cam, vàng nghệ và vàng bơ. Mỗi màu khác nhau được trồng thành từng nhóm, hoà quyện và chảy như dòng sông màu của riêng chúng. Có năm acre hoa được trồng ở đó.

“Nhưng ai đã làm điều này?” Tôi hỏi Carolyn.

“Chỉ một người phụ nữ,” Carolyn trả lời. “Bà ấy sống trên mảnh đất này. Kia là nhà bà.”

Carolyn chỉ vào một ngôi nhà có hàng rào, trông nhỏ nhắn và khiêm nhường giữa khung cảnh tráng lệ xung quanh. Chúng tôi đi bộ lên chỗ đó. Ngoài hiên nhà, chúng thôi thấy một tấm biển: “Câu trả lời cho những câu hỏi mà tôi biết bạn đang thắc mắc”.

Câu trả lời đầu tiên rất đơn giản: “50.000 củ”. Câu thứ hai là: “ Mỗi lần một củ, bởi một người phụ nữ. Hai bàn tay, hai chân, và một bộ não rất nhỏ bé.” Câu trả lời thứ ba là: “Bắt đầu năm 1958.”

Đó là nguyên lý hoa thuỷ tiên vàng. Với tôi, khoảnh khắc đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi nghĩ về người phụ nữ đó, người mà tôi chưa bao giờ gặp, trên bốn mươi năm trước, đã bắt đầu - mỗi lần một củ - để mang cái đẹp và niềm vui đến vùng núi hẻo lánh xa xôi này.

Chỉ trồng từng củ một, năm này qua năm khác, nhưng bà đã thay đổi thế giới. Người phụ nữ không quen biết đó đã mãi mãi thay đổi thế giới bà ấy đang sống. Bà ấy đã tạo ra một điều không thể miêu tả được thành lời, nguy nga, tráng lệ, kì diệu.

Nguyên lý mà vườn hoa của bà đã dạy tôi là một trong những nguyên lý tuyệt vời nhất. Đó là, học để đạt được mục đích và mong muốn của mình từng bước một - thường chỉ là từng bước nhỏ - và học để yêu công việc mình đang làm, học để sử dụng những khoảng thời gian nhỏ bé.

Khi chúng ta góp nhặt những mảnh nhỏ bé ấy, với những nỗ lực hàng ngày, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình cũng có thể đạt được những kết quả tuyệt vời. Chúng ta có thể thay đổi thế giới.

“Nó làm mẹ hơi buồn,” Tôi thú nhận với Carolyn. “Nếu mẹ nghĩ tới một mục tiêu từ 35 hay 40 năm trước và thực hiện nó từng bước một trong suốt những năm qua thì mẹ đã đạt được những gì? Hãy nghĩ đến những gì mà mẹ đã có thể thực hiện!”

“Vậy mẹ hãy bắt đầu từ ngày mai.” Con gái tôi nói.

Thật là vô ích khi cứ nghĩ đến thời gian đã trôi qua trong quá khứ. Cách để học được từ bài học này là, thay vì nuối tiếc khoảng thời gian đã mất, hãy hỏi, “Mình có thể vận dụng nó như thế nào cho ngày hôm nay?”

THAY ĐỔI - truyện 5 chương ngắn

  CHƯƠNG 1 Tôi đi trên một con phố. Trên vỉa hè có một hố sâu. Tôi không nhìn thấy và rơi xuống. Tôi chật vật mãi mới thoát ra được. Đó là ...