Thursday, 21 March 2013

Giấc Mơ Của 3 Thân Cây


Ba cái cây trên một ngọn đồi trong rừng cùng tranh luận với nhau về những hi vọng và giấc mơ của chúng...


Cái cây đầu tiên nói: “Tôi hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành tủ đựng vàng bạc châu báu. Tôi sẽ được nhét đầy vàng, bạc và ngọc quý, được trang hoàng với nghệ thuật chạm khắc cầu kỳ và mọi người sẽ thấy rằng tôi rất đẹp”.

Sau đó cái cây thứ hai nói: “Còn tôi lại ước có ngày sẽ trở thành một con tàu đồ sộ. Tôi sẽ đưa vua và hoàng hậu đi đến khắp mọi nơi trên thế giới. Mọi người sẽ cảm thấy được an toàn bởi con tàu to lớn và vững chãi là tôi đây”.

Cuối cùng cái cây thứ ba nói: “Tôi muốn lớn lên trở thành cái cây cao nhất và thẳng nhất trong khu rừng. Mọi người sẽ nhìn thấy tôi trên đỉnh đồi và sẽ phải ngưỡng mộ những cành cây của tôi, tưởng tượng về Thiên đường và Chúa. Tôi sẽ trở thành cái cây vĩ đại nhất mọi thời đại và mọi người sẽ luôn luôn nhớ đến tôi”.

Một vài năm sau buổi cầu nguyện, những giấc mơ của chúng tưởng chừng như có thể thành sự thật, một nhóm người đi lấy gỗ đến khu rừng đó. Khi một người đến cái cây đầu tiên, anh ta nói, “Nhìn cái cây này có vẻ to khoẻ này, tôi nghĩ có thể bán gỗ cho một người thợ mộc”

… và anh ta bắt đầu hạ nó xuống. Cái cây rất vui, bởi vì nó biết ngượi thợ mộc sẽ làm nó thành một cái tủ đựng châu báu.

Đến cái cây thứ hai người lấy gỗ nói “Nhìn cái cây này trông cũng khoẻ đấy chứ, tôi sẽ bán nó cho một xưởng đóng tàu”.

Và khi người lấy gỗ đến cái cây thứ ba, cái cây đã rất sợ hãi bởi vì nó biết rằng nếu họ chặt nó xuống thì giấc mơ của nó sẽ không bao giờ thành hiện thực. Một trong những người lấy gỗ nói : “Tôi không cần làm bất cứ cái gì đặc biệt nên tôi sẽ lấy cái cây này” và anh ta chặt cái cây xuống.

Khi cái cây đầu tiên đến chỗ người thợ mộc, nó được bác ta đục nó thành một cái như nôi trẻ con nhưng vì không vừa ý nên lại quẳng nó ra sân, thậm chí còn nhét cỏ khô vào. Sự thể đã không như cây tưởng tượng. Đây hoàn toàn không phải là những gì mà nó đã cầu nguyện.

Cái cây thứ hai thì được xẻ ra và đóng thành một cái thuyền đánh cá nhỏ. Giấc mơ của nó là trở thành một con tàu to lớn, đồ sộ và chở những ông vua đến đây cũng kết thúc.

Còn cái cây thứ ba được chặt ra thành từng khúc lớn và sống một mình trong bóng tối. Năm tháng qua đi nhưng những cái cây thì không thể quên được giấc mơ của chúng.

Sau đó, vào một buổi tối giá rét, có hai vợ chồng nghèo đi qua nhà bác thợ mộc. Họ bế một đứa bé mới sinh, đang khóc vì lạnh.Mà mẹ nhìn thấy cái nôi đầy khỏ khô ngoài hiên nên đặt đứa bé vào đó. Được ủ ấp trong cái nôi cỏ, đứa bé thôi khóc, Cái cây thứ nhất - nay là cái nôi -cảm nhận được sự quan trọng của mình lúc đó và biết rằng mình đang được đựng trong lòng một kho báu lớn hơn tất cả vàng bạc đá quí : một sinh linh bé bỏng và tình thương yêu cua bố mẹ em bé.

Ít lâu sau , người thợ đóng thuyền dùng chiếc thuyền nhỏ đóng băng cái cây thứ hai đi chơi và ngủ thiếp đi. Không may một lúc sau trời trở gió và nổi dông. Thuyền bắt đầu chao đảo, vô cùng nguy hiểm. Bỗng một người dân trên bờ nhìn thấy, vội chèo thuyền của mình thật nhanh tới chỗ người thợ đang ngủ. Bác thợ đóng thuyền tỉnh dậy ú ớ hoảng hốt,nhưng người dân kia đã bỏ thuyền của mình nhẩy sang thuyền của người thợ và lấy hết sức chèo vào bờ.Lúc đó cái cây thứ hai - nay là cái thuyền - đã biết rằng mình đang chở một vị vua của lòng dũng cảm.

Cuối cùng , cái cây thứ ba, sau một thời gian nằm trong kho tối tăm thì có người đến hỏi mua nó. Người này biến cây thành một cái cột nhỏ rồi vác lên đỉnh đồi, đóng xuống để sắp tới bắc đường dân điện-lần đầu tiên tới vùng hẻo lánh này. Đến khi người ta mắc đường dây điện, cái cây thứ ba - nay là cái cột điện-hiểu rằng mình đang đứng trên đỉnh đồi, cao hơn rất nhiều các cây khác và thực hiện một nhiệm vụ lớn lao khiến ai cũng có thể luôn nhớ tới.


Ý nghĩa:Khi mọi việc diễn ra không theo ý bạn mong muốn không có nghĩa là giấc mơ của bạn đã tan tành rồi. Trong cuộc sống luôn có những "kế hoạch dài hạn", người ta có thể có được những cái mà mình mong ước, nhưng không chắc là đúng như những gì người ta tưởng tượng.

Vì vậy, đừng vội từ bỏ ước mơ của mình khi bạn chưa trải qua sóng gió, bởi khi vượt qua được những khó khăn ấy, giá trị bạn có được còn hơn cả những ước mơ ban đầu.

(Sưu tầm)

Tuesday, 19 March 2013

Ý nguyện cuối cùng của Alexander Đại Đế



Alexander là một vị vua vĩ đại. Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, và sự giàu có không còn nghĩa lý gì với ông. Ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sỹ quan của mình:

“Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước. Các ngươi cần phải thực hiện những gì ta bảo”.

Các vị tướng tuân lệnh trong dòng nước mắt.

“Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo thầy thuốc của ta mang cái hòm rỗng của ta về một mình”.

Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander nói tiếp: “Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng, bạc và châu báu trong kho tàng của ta trên suốt dọc đường đến nấm mồ khi các ngươi mang quan tài của ta ra nghĩa địa”.

Sau khi quấn mình trong chiếc áo khoác và nghỉ một lúc, ông nói tiếp: “Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài”.

Mọi người xung quanh ông tất cả đều rất tò mò, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân. Vị sủng tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi:

“Thưa đức Vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?“.

Sau khi gắng thở một hơi dài, Alexander trả lời:

“Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta đã học được. Để cho người thầy thuốc đưa cỗ quan tài về một mình là để người ta nhận ra rằng một vị thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho người ta. Nhất là khi đối diện với cái chết, thầy thuốc hoàn toàn bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học được rằng phải trân quý cuộc sống của họ.

Mong ước thứ hai của ta là để nhắn nhủ mọi người rằng không nên giống như ta theo đuổi mộng giàu sang. Ta tiêu tốn cả đời chạy theo sự giàu có, nhưng ta sẽ lãng phí hầu hết thời gian của đời người.

Mong ước thứ ba của ta là để người đời hiểu rằng ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời bỏ thế gian này cũng với hai bàn tay trắng”

Nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng.

(Sưu tầm)

Vai Kịch Cuối Cùng






Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.

Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.

Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách - mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường- chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.

Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: "Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người."

Hôm sau, người em thấy ông giở chiếc vali hoá trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: " Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu..."

Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.

Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.

Monday, 18 March 2013

Mỗi người là một cái cây lớn


Thuở xưa, có một người đàn ông không làm được điều gì nên hồn, chẳng có tiền và vô cùng chán nản. Cho đến một đêm, ông ta không còn đủ can đảm để sống tiếp nữa. Ông liền đi đến một vực thẳm sửa soạn nhảy xuống.

Trước khi tự vẫn, ông ta khóc rất lớn và hồi tưởng tất cả những khổ nạn trong suốt cuộc đời mình. Trên một tảng đá cạnh cái vực có một cây nhỏ. Sau khi nghe người đàn ông khóc lóc, kể lể, cái cây cũng khóc vô cùng thảm thiết. Khi người đàn ông thấy cái cây cũng khóc, ông ta liền hỏi “Cây cũng khóc hả. Có phải cây cũng chịu đựng nhiều đau khổ như tôi không?”

Cái cây nói “Tôi là một cái cây đau khổ nhất trên đời. Nhìn tôi đây này, tôi sống trên cái tảng đá, chỉ toàn là đá khô cằn, không có đất mà sống và cũng chẳng có nước uống. Suốt đời tôi không đủ ăn. Hoàn cảnh đau khổ này làm các cành cây của tôi khô đét và không nẩy nở được, vì thế trông tôi rất thảm não từ lúc mới sinh ra.
Gốc của tôi rất nông làm cho tôi không đứng vững trước gió, và không thể chịu nổi những cơn gió lạnh mùa đông. Trông tôi rất yếu so với các cây khác, chết đi còn sướng hơn”.

Người đàn ông không thể chịu được nữa vì quá thương hại cho cái cây bèn nói “nếu như vậy thì tại sao cây không kéo thân ra mà chết chung cho rồi”. Cái cây nói “chết thì dễ lắm, tuy nhiên, không có bao nhiêu cây mọc trên vực này cả, tôi không thể chết được”. Người đàn ông không hiểu nổi.

Cây nói tiếp “Ông có thấy có tổ chim trên thân tôi không” Hai con chim vành khuyên làm cái tổ này và chúng đã sống và sinh sôi nẩy nở trên thân tôi. Nếu tôi chết đi, thì hai con chim này sống ở đâu?”
Người đàn ông dường như hiểu được điều gì đó sau khi nghe những lời này, và từ từ lùi lại ra xa khỏi vực thẳm.

Thật ra, mỗi chúng ta không chỉ sống riêng cho mình. Không cần biết là một người có nhỏ bé đến đâu, người đó vẫn là một cây to lớn cho những người khác.


(St có chỉnh sửa)

LÀM GƯƠNG


Nauy, một chiều đông, tuyết rơi nặng hạt. Một người đàn ông say rượu đang lảo đảo bước đi trên tuyết. Cậu con trai 14 tuổi của ông sau khi ngồi chờ cha mình ngoài quán rượu cũng lẽo đẽo theo cha về nhà. Cậu đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên những dấu chân hằn sâu trên tuyết mà cha cậu để lại. Những bước chân ngả nghiêng chao đảo. Bất chợt người đàn ông quay lại, nhìn thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè :

- Mày đi kiểu gì vậy ?

Cậu bé trả lời:

- Dạ con đi theo bước chân của cha!

Sự gương mẫu đối với trẻ em là yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục. Chúng ta có thể huyên thuyên giảng giải trong hàng giờ đồng hồ song chúng chẳng nhớ bao nhiêu, thế nhưng những gì chúng nhìn thấy sẽ để lại những ấn tượng rất sâu đậm. Rồi đến một ngày, chúng ta nhìn thấy con em chúng ta nói những lời giống hệt như ta, giận dữ hệt ta, hống hách hệt ta, lười biếng hệt ta … Và chúng sẽ trả lời với ta rằng :”Con đang bước theo bước chân của ba mẹ!”.


Sưu tầm

Wednesday, 13 March 2013

Chuyện về chú ếch và khả năng thích ứng với thay đổi


Có một chú ếch được thả vào một cái nồi nước lạnh.
Cái nồi nước đó không hề đậy vung và rồi được để lên một cái bếp.
Ban đầu, nước vẫn còn lạnh thì chú ta không hề có phản ứng gì. Sau đó, nước cứ từ từ ấm dần lên, nhưng chú ta không hề để ý được đến điều đó. Tại sao ư? Tại vì nhiệt độ của nồi nước tăng lên từ từ và khiến chú ta quen với điều đó.
Càng về sau, nồi nước càng tăng nhiệt độ, nhưng chú ếch vẫn không hề để ý đến điều đó vì nhiệt độ chỉ tăng từ từ mà thôi.
Đến khi nước sôi thì chú ta mới bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng lúc này đã muộn rồi. Chú ếch đã được luộc trong nồi nước đó.

Đây là một câu chuyện kinh điển về sự thay đổi. Vì nồi nước cứ nóng dần dần khiến chú ếch không hề để ý đến và cuối cùng là bị chết trong nồi nước sôi. Giả sử, nếu thả chú ếch đó vào nồi nước khi nước đã nóng rồi và cũng không đậy vung thì chắc hẳn chú ếch sẽ cố mà nhảy ra cho được.
Cuộc sống con người cũng thế. Chúng ta đã quen với những việc thường ngày đã xảy ra và không hề muốn thay đổi, hay thậm chí sợ sự thay đổi, sợ tiếp nhận cái mới. Nhưng thực tế thì cuộc sống của chúng ta thay đổi hàng ngày và nếu chúng ta không chú ý đến thì cũng lại đã quá muộn.
Còn khi đối diện với một sự thay đổi rõ rệt thì khi đó ta cuống lên, ta sợ. Liệu khi đó ta có thể đối diện được với sự thay đổi hay không? Ta có thể chấp nhận sự thay đổi hay không? Khi đó có là quá muộn không?

Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi sự thay đổi.
Hãy nhìn nhận cẩn thận mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình.
Hãy đối diện và chấp nhận những thay đổi đang diễn ra để bản thân thay đổi theo nó cho phù hợp.

Sưu tầm

Tuesday, 12 March 2013

Bài học về lòng trung thực


- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba.

Tôi ngạc nhiên: "Đề bài khó lắm sao?"

- Không. Cô chỉ yêu cầu "Tả bố em đang đọc báo." Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm.


Tôi thở dài: Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào?

- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. 

Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: "Sao trò không chịu làm bài?". Nó cứ làm thinh, mãi sau nó mới bảo: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hi sinh từ lúc nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: "Sao mày không tả ba đứa khác?" Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má.
Chuyện về cậu học sinh có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực

Sưu tầm

Monday, 11 March 2013

Mày mạy và chuồn ớt


Ở một vũng nước kia có một đám mày mạy. Ngày ngày, chúng hay trèo lên các ngọn cỏ lau để ngắm ánh mặt trời. Cũng vào những lúc đó, cứ thỉnh thoảng chúng lại thấy một vật thể lạ bay xà xuống chỗ chúng, chúng vội vàng lẩn tránh xuống bên dưới, rồi khi vật thể kia bay đi thì chúng lại trèo lên. Chúng láo nháo hỏi nhau:" Vật thể đó là gì vậy?". "Nếu như mình có thể bay đi được thì mình sẽ biết được đó là gì và cũng sẽ biết được cuộc sống ngoài kia như thế nào" - Một chú mày mạy nói.

Cho đến một ngày, một chú mày mạy trong bọn tìm được đường lên đến ngọn cỏ lau và bám ở đó thật lâu. Cơ thể chú ta dần dần biến đổi: chú khoác lên người chiếc áo ngũ sắc rực rỡ, và đôi cánh trong vắt như pha lê nhú lên từ phía sau lưng. Chú mày mạy giờ đây đã lột xác thành chú chuồn chuồn ớt xinh đẹp. Chú ta khẽ vỗ cánh từ từ bay lên không trung. Chú vui sướng lượn vòng trên bầu trời ngập tràn ánh nắng. Bất chợt, nhớ đến lời hứa lúc trước, chú liền quay trở lại để tìm những người bạn cũ để kể về chuyến đi của mình. Chuồn chuồn ớt xà xuống mặt nước, nhưng dù cố gắng cách mấy chú cũng không thể đến gần chỗ của các bạn mình, chú không còn là một chú mày mạy như trước đây. Còn những chú mày mạy kia thì vẫn như thế: Thấy chuồn chuồn ớt quay trở lại thì sợ hãi lẩn tránh.

Vậy là chú tự nhủ: “Biết làm sao được, mình đã cố hết sức để giữ đúng lời hứa, nhưng ngay cả khi mình trong bộ cánh rực rỡ như thế này. Mình nghĩ là họ chỉ còn cách chờ đời cho đến khi chính họ leo lên được ngọn cỏ lau để khám phá ra rằng mình đã đi đâu và đã trở nên như thế nào…”.

Câu chuyện này có nhiều dị bản khác nhau, và có thể mỗi dị bản lại có một ý nghĩa khác nhau.
Với dị bản này thì: Những người có suy nghĩ khác, hoặc vượt tầm người khác, có kinh nghiệm hơn những người khác thì thường không được chấp nhận, hoặc bị hiểu sai, hiểu lầm... Và vì lẽ đó, nếu bạn trong trường hơp đó thì hãy để cuộc sống dạy họ.

Sưu tầm

Sunday, 3 March 2013

Chiếc vỹ cầm một dây


Niccolo Paganini, một nghệ sỹ vĩ cầm đầy sắc thái và tài năng của thế kỷ 19 đang đứng chơi một bản nhạc khó trong một khán phòng chật kín người. Một ban nhạc vây quanh ông cùng hòa nhạc với ông. Bất chợt, một dây đàn bị đứt và treo lóng lánh dưới cần đàn của ông.

Những giọt mồ hôi từ trán ông tuôn ra. Ông lo lắng nhưng vẫn tiếp tục chơi, ứng biến một cách tốt đẹp. Dây đàn thứ hai lại bị đứt trước sự ngạc nhiên của nhạc trưởng. Và ngay sau đó là dây thứ ba. Giờ thì có ba dây đàn bị đứt đang đong đưa trên chiếc vĩ cầm của Paganini, khi người nghệ sỹ bậc thầy này hoàn thành khúc cao trào với chỉ một dây còn lại. Khán giả nhịp chân và trong phong cách lịch thiệp của người Ý, đại sảnh đã ngập tràn những tiếng “hoan hô”.

Khi tiếng vỗ tay khen ngợi lắng xuống, người nghệ sỹ vĩ cầm này yêu cầu mọi người ngồi xuống. Mặc dù họ hiểu chẳng còn cách nào để mong ông biểu diễn phần còn lại, nhưng mọi người đều yên lặng ngồi xuống chổ ngồi của mình. Ông nâng đàn lên cao cho mọi người nhìn thấy. Ông gật đầu với người chỉ huy dàn nhạc để bắt đầu chơi lại và rồi quay mặt về đám đông. Với một ánh mắt ngời sáng, ông mỉm cười và nói to: “Đây là Paganini với một dây đàn!”

Rồi ông đặt chiếc đàn Stradivarius một dây dưới cằm và chơi nốt đoạn cuối với chỉ một dây đàn. Trong lúc khán giả lắc đầu trong tột cùng kinh ngạc.

Cuộc sống của chúng ta có lẽ luôn ngập tràn bao rắc rối, lo toan, thất vọng và những điều bất cập. Thành thật mà nói, chúng ta mất hầu hết thời gian để tập trung và băn khoăn về những dây đàn bị đứt đoạn, dở dang, và những điều bất chợt – tất cả đều không thể đổi thay được.

Phải chăng bạn vẫn đang buồn đau vì những cung đàn bị đứt đoạn trong đời?

Có phải chỉ với dây đàn còn lại mà bạn sẽ chơi lạc điệu không?

Nếu đúng thế, liệu tôi có thể khuyên bạn đừng nản lòng, cứ tiếp tục và bắt đầu chơi lại chỉ với một dây đàn.

Hãy để nó ngân lên một giai điệu ngọt ngào mà cả thế giới khát khao với đầy ngẫu hứng.

Bạn có thể làm được nếu bạn muốn.


Sưu tầm

Saturday, 2 March 2013

Được cứu bằng một nụ cười


"Hãy mỉm cười với nhau, mỉm cười với vợ của mình, với chồng của mình, với bọn trẻ, với bất kỳ ai - điều đó sẽ giúp bạn lớn lên với tình yêu thương ngày một sâu đậm với mọi người", Mẹ Teresa nói.

Rất nhiều người Mỹ quen thuộc với câu chuyện Hoàng tử bé, cuốn sách tuyệt vời của Antoine de Saint-Exupéry. Nhưng người ta không biết ông còn có nhiều cuốn sách rất hay nữa. Ông là một phi công từng đánh nhau ở Nazis và hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Ông viết một câu chuyện có tựa đề “Nụ cười” (The Smile - Le Sourire).

Ông kể rằng ông bị kẻ thù bắt và bị giam vào ngục tối. Chắc rằng với cái nhìn căm thù và chế độ nghiệt ngã của nhà tù, ông sẽ bị xử tử trong ngày tới. Tôi sẽ kể lại câu chuyện này theo những gì tôi còn nhớ được từ câu chuyện của ông.

“Tôi tin rằng mình sẽ bị chết. Tôi cảm thấy cực kỳ lo sợ và tuyệt vọng. Tôi cố tìm trong túi áo xem có còn thuốc lá không. Tôi tìm thấy một điếu thuốc nhưng không thấy diêm, vì họ đã lấy đi rồi.

Tôi nhìn quản ngục qua song sắt. Anh ta không nhìn vào tôi. Có lẽ tôi giống như một xác chết trong mắt anh ta vậy. Tôi gọi to: “Ông có lửa không, cho tôi châm điếu thuốc”. Anh ta nhìn tôi và nhún vai, tiến gần đến và châm thuốc cho tôi.

Khi anh ta đến gần và châm thuốc, đôi mắt anh ta vô tình nhìn vào mắt tôi. Lúc đó tôi chợt mỉm cười. Tôi không biết vì sao tôi lại làm như vậy. Thường là khi người ta bất an, khi ở cự ly rất gần với ai đó, người ta rất khó mỉm cười. Nhưng tôi đã làm thế. Vào khoảnh khắc đó, dường như có một tia sáng lóe lên trong khoảng cách giữa hai trái tim, hai linh hồn con người. Tôi nghĩ anh ta không muốn nhưng nụ cười của tôi đã lọt qua song sắt và nhóm lên nụ cười ở môi anh ta. Anh ta châm thuốc cho tôi nhưng nhìn thẳng vào tôi và tiếp tục mỉm cười.

Tôi tiếp tục mỉm cười với anh ta, và nhận ra rằng tôi đang nhìn anh như một con người chứ không phải là tên cai ngục. Cái nhìn của anh ta dường như cũng thay đổi. Anh ta hỏi tôi: “Anh có con chứ?”.

“Có, đây, đây”. Tôi lấy cái ví từ trong túi áo và bối rối tìm ảnh gia đình. Anh ta cũng lấy ảnh của con mình ra và bắt đầu nói về dự định cho chúng. Tôi nói sợ rằng chẳng bao giờ tôi có thể gặp lại gia đình nữa, không còn cơ hội nhìn thấy bọn trẻ lớn lên. Những giọt nước mắt bỗng chảy trên má anh ta.

Đột nhiên, người quản ngục không nói một lời, mở khóa cánh cửa. Đi khỏi nhà tù bằng cửa sau rất nhẹ nhàng, chúng tôi đã ra khỏi thị trấn. Tại nơi giáp ranh thị trấn, anh ta đã thả tôi và không nói một lời, quay trở lại.

Tôi đã được cứu sống bằng một nụ cười.

Vâng, nụ cười tạo ra sự liên hệ không sắp đặt, rất tự nhiên giữa con người với nhau. Tình yêu là một ví dụ. Bạn có tự hỏi rằng tại sao chúng ta mỉm cười mỗi khi nhìn thấy một đứa trẻ? Đó là bởi chúng ta nhìn người khác mà không cần phải có cái vỏ tự vệ. Tâm hồn con trẻ trong mỗi chúng ta mỉm cười mà ta không nhận ra.
(Sưu tầm)

Chuyện tình của bốn mùa


Khi Mùa Xuân chuẩn bị ra đi thì Mùa Hè đến. Mùa Hè mang đến cho Mùa Xuân một bó hoa hồng rất đẹp và nói : 
_ Mùa Xuân ơi, hãy tin tôi, tôi yêu em. hãy ở lại với tôi. Chúng ta sẽ cùng đi chơi, đến tất cả những nơi mà em muốn.Nhưng Mùa Xuân không yêu Mùa Hè. Và cô ra đi. Mùa Hè buồn lắm. Mùa Hè ốm, nhiệt độ lên cao. Mọi thứ xung quanh trở nên rất nóng. 

Sau một thời gian, Mùa Thu đến, mang theo rất nhiều trái cây ngon. Mùa Thu rất yêu Mùa Hè. Cô không muốn Mùa Hè phải buồn. 
_ Mùa Hè ơi, đừng buồn nữa. Hãy ở lại với em. Em sẽ mang lại hạnh phúc cho anh. 
Nhưng với Mùa Hè, Mùa Xuân là tất cả. Và anh ra đi. 
Mùa Thu khóc, khóc nhiều lắm. Mọi thứ xung quanh trở nên ướt. 

Một thời gian sau, Mùa Đông đến, mang theo cậu con trai của mình là Băng Giá. Những giọt nước mắt của Mùa Thu làm Băng Giá cảm thấy xao xuyến. Anh cảm thấy muốn đem lại hạnh phúc cho Mùa Thu 
_ Mùa Thu ơi, hãy ở bên tôi. Tôi sẽ xây cho em những lâu đài, những con đường bằng băng. Tôi sẽ hát cho em nghe những bài hát hay nhất. Hãy ở bên tôi. 
_ Không, Băng Giá ạ. Ở bên anh tôi sẽ luôn cảm thấy lạnh lẽo thôi. 
Và Mùa Thu ra đi. Băng Giá buồn lắm. Gió thổi mạnh. Chỉ trong một đêm thôi, mọi thứ trở nên trắng xóa bởi tuyết. Mùa Đông thấy con như vậy thì buồn lắm. Bà nói : 
_ Tại sao con không yêu Mùa Xuân ? Cô ấy đã đến và hứa sẽ mang lại cho con hạnh phúc. 
_ Không mẹ ơi, con không thích. Chúng ta hãy rời khỏi đây đi. 
Và họ ra đi. 

Chỉ còn lại một mình Mùa Xuân. Cô khóc. Nhưng rôì, bất chợt Mùa Xuân nhìn ra xung quanh :"Ôi tại sao mình phải khóc chứ ? Mình còn rất trẻ, và xinh đẹp nữa. Thời gian dành cho mình không nhiều. Tại sao mình không làm những việc có ý nghĩa hơn ?" 
Và mọi thứ như sống lại: cây cối tươi xanh, ra hoa, đâm chồi, nảy lộc...

(Sưu tầm)

Friday, 1 March 2013

Con chim bị mù hay ta không hiểu?


Nơi khu vườn anh nhà văn nọ có một cây si rất rậm rạp, xanh lá quanh năm. Từ phòng viết của mình, qua một tấm cửa kính, anh có thể nhìn thấy cây si ấy. Thói quen của anh là thức sớm mỗi ngày để viết, và anh vô cùng ngạc nhiên khi có một dạo, ngày nào, cũng có một con chim tới đâm cửa vào phòng anh. Nhiều ngày liên tục, liên tục, sáng nào cũng vậy, anh cũng đã có ý nghĩ giống như tôi: Phải chăng con chim đó bị mù? Hay bị một chứng bệnh nào đó?
Sự lý giải không được thỏa mãn, lại nhiều ngày tiếp tục trôi qua. Cho tới một hôm, anh quyết định bước ra khỏi cửa phòng mình, đứng về phía con chim, đối diện với tấm kính để nhìn vào căn phòng.
Anh không thể tin nổi vào mắt mình. Trước mắt anh là một cảnh tượng quá đẹp đẽ: Một cây si lung linh xanh thẫm in hình trên tấm kính, như thể ở một nơi nào đó thật xa, trong một không gian rộng hơn, sâu hơn. Và anh biết, con chim nhỏ bé kia đã "chán" cây si quen thuộc mỗi ngày của mình khi nó bất ngờ phát hiện ra một "cây si" khác. Nó đã đâm đầu vào đó để mong tìm tới một nơi đẹp đẽ hơn, lung linh hơn,...

Câu chuyện ấy khiến tôi đã nghĩ tới vài điều:
- Đôi khi, không đứng ở vị trí người khác, nên chúng ta đã không hiểu được họ
- Và đôi khi, chúng ta không biết những gì chúng ta đang có mới là điều quan trọng, là hạnh phúc thực sự của chúng ta, mà chúng ta cứ đeo đuổi những chuyện mãi đâu đâu
- Nhưng biết đâu, chỉ trong sự ảo tưởng, chúng ta mới có được hạnh phúc, bởi vì hiện thực nhiều khi không như mong muốn, khiến chúng ta bắt buộc phải chạy trốn nó.

Sưu tầm

4 quy luật tinh thần trong cuộc sống


1. Quy tắc đầu tiên: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp cả." Điều này có nghĩa rằng không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ cả. Mỗi người xung quanh chúng ta, bất cứ ai chúng ta giao lưu, đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại.
2. Quy tắc thứ hai: "Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra."
Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất.
"Không có; Nếu như tôi đã làm điều đó khác đi..., thì nó hẳn đã khác đi. "
Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra giúp chúng ta học ra bài học để tiến về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.
3. Quy tắc thứ ba: "Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm."
Mọi thứ bắt đầu vào đúng thời điểm, không sớm hơn hay muộn hơn.
Khi chúng ta sẵn sàng cho nó, cho điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời mình, thì nó sẽ có đó, sẵn sàng để bắt đầu.
4. Quy tắc thứ tư: "Những gì đã qua, cho qua."
Quy tắc này rất đơn giản. Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã giúp ích xong cho sự tiến hoá của chúng ta. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.
Tôi nghĩ là không phải là tình cờ mà bạn đang đọc những dòng này.
Nếu bài viết này đánh động tâm hồn bạn, đó là bởi vì bạn đáp ứng được những yêu cầu và hiểu rằng không một bông tuyết nào lại tình cờ rơi xuống sai chỗ cả..
Hãy đối xử tốt với chính bản thân bạn.
Hãy yêu thương với tất cả tâm hồn bạn.
Hãy luôn hạnh phúc.
(Sưu tầm)

Bài học về sự Lựa chọn



Hai người nông dân rời quê đi kiếm sống. Một người muốn đi Thượng Hải, còn người kia muốn đi Bắc Kinh. Trong phòng chờ, họ đã thay đổi ý định, bởi vì họ nghe người xung quanh bàn luận rằng: Người Thượng Hải khôn ngoan lắm, người nơi khác đến hỏi đường, họ cũng thu lệ phí. Còn người Bắc Kinh thì thật thà chất phác, thấy ai không có cái ăn, không những họ cho bánh mà còn cho cả quần áo cũ nữa. Thế là, họ gặp nhau và đổi vé cho nhau.
Người đi Bắc Kinh nhận thấy rằng, Bắc Kinh thật là tuyệt vời. Tháng đầu tiên, anh ta không phải làm gì cả, nhưng vẫn không bị đói.
Người đi Thượng Hải phát hiện rằng. Thượng Hải quả là một thành phố có thể kiếm được nhiều tiền. Làm việc gì cũng có thể kiếm ra tiền. Chỉ đường cho người khác cũng có thể kiếm được tiền, bưng một chậu nước cho người khác rửa mặt cũng có thể kiếm được tiền. Chỉ cần chịu khó động não một chút, rồi chịu khó lao động là có thể kiếm được nhiều tiền.
Một thời gian sau, dựa vào kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình đối với đất trồng, người đi Thượng Hải ra vùng ngoại ô lấy đất, trộn lẫn với lá cây và cát, bán cho người những người Thượng Hải yêu hoa mà chưa nhìn thấy đất trồng hoa bao giờ. Một năm sau, nhờ vào loại “đất trồng cây cảnh” ấy, ông đã có một cửa hàng nho nhỏ.
Sau nhiền năm đi lại trong các ngõ hẻm, ông nhận thấy: một số cửa hàng tuy được quét dọn sạch sẽ như chùi, nhưng biển hiệu lại rất dơ bẩn. Dò hỏi, ông mới được biết, đó là do những công ty vệ sinh chỉ chịu trách nhiệm lau chùi sàn nhà, mà không chịu trách nhiệm lau chùi bảng hiệu. Thế là, ông thành lập một công ty chuyên lau chùi bảng hiệu. Đến nay, công ty của ông có hơn 150 người, công việc làm ăn cũng được mở rộng từ Thượng Hải đến Hàng Châu và Nam Kinh.
Sau đó, ông đi tàu lên Bắc Kinh khảo sát tiềm năng của dịch vụ vệ sinh ở đây. Khi đến ga Bắc Kinh, ông thấy một người nhặt rác thò đầu vào toa giường mềm, xin vỏ lon bia. Khi ông đưa vỏ lon bia cho người đó, họ mới giật mình nhận ra nhau, hoá ra, 5 năm trước đây, họ từng đổi vé cho nhau.
Thành bại của con người nằm ở chỗ họ nhìn nhận thế giới và xác định chỗ đứng của mình như thế nào. Nếu bạn có những suy nghĩ tích cực, thế giới theo cách nhìn của bạn sẽ là điểm tựa tốt nhất để bạn hoàn thiện bản thân. Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực và thái độ ỷ lại, thế giới theo cách nhìn của bạn chỉ có thể là vốn liếng để bạn tiêu xài phung phí. Những người luôn nhìn thấy và nắm bắt cơ hội ở bất cứ nơi nào thì rất ít khi thất bại.
(Sưu tầm)

THAY ĐỔI - truyện 5 chương ngắn

  CHƯƠNG 1 Tôi đi trên một con phố. Trên vỉa hè có một hố sâu. Tôi không nhìn thấy và rơi xuống. Tôi chật vật mãi mới thoát ra được. Đó là ...